5 bí quyết giúp bạn chọn mua nồi cơm điện tốt
Nồi cơm điện là đồ gia dụng phổ biến nhưng không phải ai cũng biết cách chọn mua nồi cơm điện tốt và phù hợp với nhu cầu. Nếu biết cách lựa chọn, bạn có thể mua được nồi ưng ý với giá cả phải chăng đấy!
Công cuộc chọn mua nồi cơm điện tốt mà lại phù hợp với nhu cầu và tình hình kinh tế của bản thân không hề dễ dàng. Nếu cảm thấy bối rối khi bước vào siêu thị hoặc cửa hàng, bạn hãy cân nhắc 5 yếu tố sau đây nhé.
1. Loại nồi cơm điện tốt
Nồi cơm điện được phân thành 4 loại chính với những ưu và nhược điểm riêng.
• Nồi cơm điện nắp rời:
Phần nắp của nồi cơm điện này độc lập với thân nồi. Loại nồi này thường chỉ là nấu cơm và hâm nóng cơm sau khi nấu. Tuy nhiên, nồi cơm điện nắp rời rất dễ vệ sinh.
Mức giá nồi cơm điện nắp rời khoảng 200.000 đồng – 1.000.000 đồng.
• Nồi cơm điện nắp gài:
Loại nồi cơm này có phần nắp gắn liền với thân nồi bằng chốt khóa và bản lề. Chức năng chính của nồi cũng là nấu và giữ ấm cơm như nồi cơm điện nắp rời. Tuy nhiên, phần nắp gài sẽ giúp cơm giữ được nhiệt lâu hơn.
Mức giá nồi cơm nắp gài trong khoảng 300.000 – 1.500.000 đồng.
• Nồi cơm điện tử:
Nồi cơm điện tử sử dụng các vi mạch điện tử để điều khiển các chế độ nấu. Thân máy cũng có nhiều nút bấm hơn 2 loại nồi trên, thậm chí một số nồi còn có bảng điều khiển cảm ứng. Loại nồi này có nhiều chức năng nấu được cài đặt sẵn rất tiện lợi như hầm canh, làm bánh mì, nấu gạo lứt giảm cân, nấu diêm mạch, nấu xôi…
Nồi cơm điện tử có mức giá khá cao khoảng 1.000.000 – 3.000.000 đồng.
• Nồi cơm điện cao tần: Loại nồi cơm này sử dụng cảm ứng từ để làm nóng trực tiếp gạo từ bên trong lòng nồi chứ không dùng mâm nhiệt như các loại nồi khác. Nồi sử dụng bảng điều khiển điện tử như nồi cơm điện tử với nhiều chức năng nấu khác nhau.
Mức giá của nồi cơm điện cao tần có thể dao động từ 2.000.000 – 20.000.000 đồng.
2. Tính năng của nồi cơm
Nồi cơm điện trước đây thường chỉ có chức năng cơ bản là nấu cơm và giữ ấm cơm. Thế nhưng, nhiều nồi cơm điện cao cấp hiện đại đã có thêm các tính năng tiên tiến để đáp ứng nhu cầu của người dùng. Các tính năng mới có thể kể đến là nấu cơm nhanh, tách đường trong cơm, hẹn giờ nấu cơm…
Nhìn chung, nồi cơm càng nhiều tính năng thì giá thành sẽ càng cao. Bạn hãy cân nhắc nhu cầu và khả năng tài chính để lựa được nồi cơm điện tốt nhất với mình.
Nếu bạn thường xuyên ăn ngoài và không quá quan trọng chuyện bếp núc, hãy chọn nồi cơm điện làm tốt chức năng cơ bản là nấu và giữ ấm cơm là đã ổn rồi.
3. Kích cỡ nồi cơm
Khi chọn mua nồi cơm điện, bạn cần xem xét lượng gạo mình muốn nấu mỗi bữa. Nồi cơm điện sẽ hoạt động hiệu quả nhất khi bạn nấu một lượng gạo phù hợp với dung tích nồi. Nếu bạn mua nồi dung tích quá lớn nhưng lại nấu ít cơm, chất lượng cơm sẽ không được ngon như ý. Nếu bạn sống một mình và không cần nấu nhiều cơm mỗi bữa, hãy chọn nồi cơm có dung tích nhỏ.
Một số dung tích nồi cơm thường thấy mà bạn có thể tham khảo là:
Nồi cơm dung tích 0,6l – 0,8l: Nấu cho 1 – 2 người ăn
Nồi cơm dung tích 1l – 1,5l: Nấu cho 2 – 4 người ăn
Nồi cơm dung tích 1,8l – 2l: Nấu cho 4 – 6 người ăn
Nồi cơm dung tích 2,2l – 2,5l: Nấu cho 6 – 8 người ăn
Nồi cơm dung tích 5l – 10l: Nấu cho nhà hàng, quán ăn
4. Chất liệu lòng nồi
Chất liệu lòng nồi cũng là một yếu tố bạn nên cân nhắc khi chọn mua nồi cơm điện vì yếu tố này có thể ảnh hưởng tới chất lượng cơm và việc lau rửa sau khi dùng. Hiện có một số chất liệu phổ biến để sản xuất lòng nồi cơm như hợp kim nhôm, thép không rỉ, gang, inox… Mỗi loại chất liệu đều có độ nặng nhẹ, dày mỏng và khả năng dẫn nhiệt khác nhau.
• Hợp kim nhôm: Đây là chất liệu phổ biến nhất để làm lòng nồi cơm điện nhờ độ nhẹ, dẫn nhiệt nhanh mà còn có thể chống rỉ sét. Tuy nhiên, hợp kim nhôm không có khả năng chống dính nên bạn có thể gặp khó khăn khi lau rửa nồi. Để khắc phục nhược điểm này, bạn có thể chọn những lòng nồi bằng nhôm có phủ thêm lớp chống dính. Trước khi mua, bạn hãy kiểm tra xem chất liệu chống dính phủ trong lòng nồi có an toàn cho sức khỏe không. Khi lớp chống dính đã xước, bạn nên bỏ đi vì lúc này lòng nồi đã trở thành một dụng cụ nấu ăn độc hại.
• Gang tráng men chống dính: Loại lòng nồi này tuy khá mắc nhưng lại rất bền, giữ nhiệt tốt và dễ chùi rửa. Tuy nhiên, lòng nồi gang khá nặng và nấu cơm lâu hơn những loại nồi khác.
Nếu muốn cơm ngon và lau rửa dễ dàng hơn, bạn nên chọn nồi cơm điện có lòng mỏng nhẹ, truyền nhiệt tốt và có lớp chống dính chất lượng. Nếu muốn giữ độ nóng của cơm lâu, bạn có thể ưu tiên những loại lòng nồi hơi dày.
5. Thiết kế nồi cơm
Để chọn mua nồi cơm điện phù hợp, bạn cần cân nhắc tới thiết kế của nồi. Một số đặc điểm bạn nên quan tâm là:
• Kích thước nồi: Những nồi quá cồng kềnh sẽ không phù hợp nếu không gian trong bếp hạn chế.
• Dây cắm điện: Chiều dài dây cắm điện quá ngắn cũng sẽ khiến bạn gặp phiền phức khi nấu cơm. Nếu nhà không có nhiều ổ điện, bạn hãy cân nhắc mua nồi có dây cắm dài.
• Nắp nồi: Các loại nắp nồi đều có ưu nhược điểm của riêng mình nên bạn cần xác định nhu cầu của mình để chọn được loại phù hợp. Những loại nồi cơm điện có nắp rời thường tiện lau rửa nhưng lại nấu cơm không mềm và không giữ ấm cơm tốt như nồi nắp gài. Nếu muốn quan sát cơm đang nấu bên trong nồi, bạn cũng có thể chọn nồi cơm có nắp bằng kính trong suốt.
• Phụ kiện đi kèm: Nếu muốn nấu một số món hấp bằng nồi cơm điện, bạn hãy chọn những nồi đi kèm khay hấp. Bạn chỉ cần lắp khay hấp vào nồi, xếp rau củ quả lên trên là có thể vừa nấu cơm vừa hấp rau rất tiện lợi. Đây là bí quyết tiết kiệm thời gian cho những ai thấy mình quá bận để nấu ăn ở nhà. Bên cạnh đó, bạn cũng nên chọn những nồi cơm có thiết kế kèm khay cắm muỗng xới cơm trên thân nồi để có chỗ cắm muỗng tiện lợi trong bữa ăn.
Để chọn mua nồi cơm điện tốt mà phù hợp với bản thân, bạn cần cân nhắc rất nhiều yếu tố từ giá cả, chức năng, chất liệu lòng nồi đến thiết kế bên ngoài. Công sức lựa chọn kỹ càng sẽ giúp bạn có những bữa cơm thơm ngon và nóng hổi như ý.